Ngày 28-12-2011, Nguyễn Văn Hải rủ em M. (15 tuổi) đi chơi rồi dùng sức mạnh xâm hại. Ngày 26-4-2012, TAND quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) xử sơ thẩm đã phạt Hải sáu năm tù về tội hiếp dâm trẻ em, buộc Hải phải bồi thường tổn thất tinh thần cho nạn nhân 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định lúc đó (830.000 đồng/tháng) là 8,3 triệu đồng.
Mỗi tòa giải quyết một hướng
Phía gia đình em M. kháng cáo yêu cầu tăng mức bồi thường. Xử phúc thẩm ngày 6-7, TAND TP Đà Nẵng cũng buộc bị cáo phải bồi thường tổn thất tinh thần cho nạn nhân 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định. Tuy nhiên, theo tòa, từ ngày 12-4-2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31 quy định tăng mức lương tối thiểu lên thành 1.050.000đồng/tháng (có hiệu lực từ ngày 1-5-2012) nên tòa tính ra số tiền bị cáo phải bồi thường là 10,5 triệu đồng.
Một vụ tương tự, TAND quận Bình Thạnh (TP.HCM) lại có hướng giải quyết hoàn toàn khác. Theo hồ sơ, ngày 12-2, Nguyễn Văn Nam đã giở trò đồi bại với một bé gái tám tuổi. Đầu tháng 6, TAND quận Bình Thạnh xử sơ thẩm đã phạt Nam năm năm sáu tháng tù và buộc bị cáo bồi thường tổn thất tinh thần cho nạn nhân 10 tháng lương tối thiểu là 8,3 triệu đồng. Khi luật sư bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân đề nghị tòa tính số tiền bồi thường theo mức lương tối thiểu mới thì tòa cho rằng cần áp dụng mức lương tối thiểu tại thời điểm xảy ra vụ án chứ không phải tại thời điểm mở phiên xử.
Luật bỏ ngỏ, hướng dẫn chưa có
Hai vụ án trên cho thấy một thực tế là đã có sự thiếu thống nhất giữa các tòa trong việc áp dụng mức lương tối thiểu tại thời điểm nào khi tính bồi thường tổn thất về tinh thần. Vậy pháp luật quy định ra sao?
Theo nhiều chuyên gia, phần bồi thường thiệt hại về vật chất và bù đắp tổn thất về tinh thần trong án hình sự sẽ được áp dụng các quy định của pháp luật dân sự để giải quyết. Theo Điều 611 BLDS, mức bồi thường tổn thất tinh thần do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá 10 tháng lương tối thiểu.
Tuy nhiên, với tình huống như trên thì luật lại chưa dự liệu để điều chỉnh cụ thể, đồng thời đến nay cũng chưa có văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền nên mới xảy ra chuyện mỗi tòa xử một kiểu, tùy vào quan điểm của mình.
Nên theo mức lương cũ hay mới?
Một vấn đề đặt ra là khi xét xử, tòa nên áp dụng mức lương tối thiểu tại thời điểm nào để tính bồi thường tổn thất về tinh thần cho hợp lý? Trao đổi với các chuyên gia, chúng tôi nhận được hai luồng quan điểm rất khác nhau.
Luồng quan điểm thứ nhất xuất phát từ góc độ lợi ích của nạn nhân. Chẳng hạn, luật sư Hoàng Cao Sang (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng các tòa nên áp dụng mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm mở phiên xử. Bởi lẽ tính đến thời điểm diễn ra phiên tòa thì quy định của Nhà nước về mức lương tối thiểu mới đã có hiệu lực. Việc áp dụng theo hướng này sẽ có lợi cho phía nạn nhân, vốn đã bị tổn hại nặng nề vì hành vi phạm tội của bị cáo. “Lỡ vụ án kéo dài đến năm, bảy năm, khi mức lương tối thiểu đã có sự thay đổi, đời sống có sự chênh lệch trượt giá mà áp dụng mức lương tối thiểu cũ thì sẽ gây thiệt thòi cho nạn nhân” – luật sư Sang nhấn mạnh.
Trong khi đó, luồng quan điểm thứ hai lại xuất phát từ góc độ lợi ích của bị cáo. Theo luật sư Nguyễn Tấn Thanh (Đoàn Luật sư TP.HCM), việc các tòa áp dụng mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm xảy ra vụ việc là chính xác. Việc áp dụng mức lương tối thiểu mới tại thời điểm xét xử vừa làm bị cáo bị thiệt thòi, vừa gây ra tình trạng thiếu thống nhất trong xử lý, tạo sự bất công giữa các bị cáo với nhau. Ví dụ: Hai bị cáo cùng bị tòa sơ thẩm buộc phải bồi thường 10 tháng lương cơ bản theo mức lương tối thiểu lúc đó. Một người không kháng cáo, cũng không bị kháng cáo, kháng nghị nên án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật. Người kia kháng cáo hoặc bị kháng cáo, kháng nghị mà tại thời điểm xét xử phúc thẩm đã có mức lương tối thiểu mới thì sẽ phải bồi thường nhiều hơn.
Dù khác nhau về quan điểm nhưng cả luật sư Sang lẫn luật sư Thành đều đề nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành hướng dẫn để các tòa áp dụng thống nhất.
Tính theo mức lương mới
Theo tôi, nghị định của Chính phủ thay đổi có hiệu lực tại thời điểm nào thì tòa án áp dụng vào thời điểm đó. Nếu khi phiên tòa (kể cả sơ thẩm lẫn phúc thẩm) diễn ra mà quy định của Chính phủ về mức lương tối thiểu đã có sự thay đổi so với thời điểm xảy ra vụ án thì phải áp dụng mức lương mới. Ở đây, mức bồi thường vẫn là tối đa không quá 10 tháng lương tối thiểu, chỉ nâng số tiền theo tỉ giá chênh lệch do mức lương tăng là hoàn toàn phù hợp. Thêm nữa, mức lương tối thiểu ở từng thời điểm khác nhau có sự chênh lệch, biến động do trượt giá. Việc áp dụng mức lương tương ứng thời điểm diễn ra phiên tòa nhằm tránh thiệt hại cho người bị hại cũng hợp lý. Tuy nhiên, trong bản án phúc thẩm, nếu tòa sửa phần bồi thường tổn thất về tinh thần vì lý do này thì cũng cần ghi rõ là do có quy định mới chứ không phải do cấp sơ thẩm xử sai. Thẩm phán PHẠM CÔNG HÙNG, |
DƯƠNG HẰNG