Chiều 17/8, phiên tòa xét xử vụ án Phạm Công Danh xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư đối với các bị cáo có liên quan. Các luật sư đều ra sức chứng minh phần luận tội và đề nghị mức án dành cho các bị cáo là chưa hợp lý.
Phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và đồng bọn chiều 17/8
Luật sư Nguyễn Tấn Thanh bào chữa cho bị cáo Mai Hữu Khương, nguyên Giám đốc Ngân hàng Xây dựng chi nhánh Sài Gòn, với hai tội danh là cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và vi phạm các quy định cho vay trong các tổ chức tín dụng, tổng mức án đề nghị 22 đến 24 năm tù.
Theo luật sư, bị cáo Mai Hữu Khương có một số hành vi cần xem xét kỹ lại với vai trò là thành viên Hội đồng quản trị của Ngân hàng Xây dựng. Khương tham gia đề án Corebanking và soạn hợp đồng nhưng không tư lợi gì. Việc thuê trụ sở ở 268 Tô Hiến Thành và 816 Sư Vạn Hạnh là có thật và kéo dài trong một thời gian, chứ không phải là không có thật như trong cáo trạng. Còn việc phát hành 2.500 trái phiếu có giá trị 900 tỷ đồng, Khương chỉ cung cấp thông tin cho đối tác theo yêu cầu của lãnh đạo, chứ không tham gia nên vai trò trong việc này là rất mờ nhạt, cũng không có tư lợi.
Việc Khương cho nhóm của bà Trần Ngọc Bích vay 300 tỷ đồng cũng là có thật, có hợp đồng và đã được chứng minh, còn sử dụng số tiền này như thế nào thì bị cáo Khương không liên quan.
Liên quan đến việc cho vay 5.190 tỷ đồng của nhóm bà Trần Ngọc Bích, qua thẩm vấn, Khương cũng khẳng định là không liên quan vì không duyệt cho vay, không giải ngân, không ký tất cả các chứng từ. Nhưng Khương là thành viên của Hội đồng quản trị nên có ký vào biên bản họp hội đồng do kiểm tra thấy đúng trình tự nên ký để bổ sung hồ sơ.
Tại phiên luận tội, đại diện Viện Kiểm sát cũng đã loại ra, không quy kết liên quan đến Khương. Nhưng trong phần luận tội thì không hiểu sao Viện Kiểm sát lại cho rằng Khương và Mai có liên đới bồi thường số tiền này, đề nghị xem xét lại.
Cũng theo luật sư Nguyễn Tấn Thanh, về tội vi phạm quy định cho vay trong các tổ chức tín dụng của bị cáo Khương, cáo trạng cho rằng Khương cho vay 2.470 tỷ và gây thiệt hại hơn 2.095 tỷ là chưa có cơ sở vững chắc. Vì phương án cho vay có thế chấp, định giá theo quy định, không hề nâng khống giá. Việc định giá, kết quả định giá có trong hồ sơ cũng không xác định được giá trị tài sản đúng với giá trị thực nên cũng chưa thể xác định được mức thiệt hại. Cho nên, luật sư không thống nhất với tội danh và khung hình phạt đối với Khương ở tội danh này. Cần thiết thì đề nghị Hội đồng xét xử trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Luật sư Nguyễn Tấn Thanh còn bào chữa cho bị cáo Trần Văn Bình về tội cố ý làm trái quy định gây hậu quả nghiêm trọng. Bình là nhân viên, đứng tên dùm cho công ty Trung Dung nên vai trò rất mờ nhạt. Bị cáo Bình thừa nhận khả năng nhận thức, trình độ hạn chế nên chỉ làm theo chỉ đạo của lãnh đạo và một số nhân viên, ký vào nhiều giấy tờ nhưng không hề biết đến nội dung.
Luật sư mong Hội đồng xét xử xem xét đến các tình tiết giảm nhẹ cho cả Mai Hữu Khương và Trần Văn Bình vì là cấp dưới phải làm theo chỉ đạo của cấp trên, nhân thân tốt, thành thật khai báo và có ăn năn.
Tiếp đó là phần bào chữa của luật sư Đào Thị Bích Liên cho bị cáo Hoàng Đình Quyết và Phan Minh Tùng cũng đề nghị Hội đồng xét xử xem xét vai trò của các bị cáo mờ nhạt trong vụ án, khó tác động gây hậu quả nghiêm trọng như cáo trạng, cần thiết thì trả hồ sơ để điều tra bô sung, định giá lại toàn bộ tài sản.
Chiều nay, nhiều luật sư vắng mặt không lý do trong phiên bào chữa đã được Hội đồng xét xử nhắc nhở việc vi phạm quy định theo dõi phiên tòa và đề nghị có mặt đúng theo trình tự bào chữa, không thay đổi vì bất cứ lý do gì./.
Minh Hạnh/VOV-TPHCM