Hội đồng Xét xử TAND tỉnh Lâm Đồng có “bỏ quên” chứng cứ?

Nguyên đơn là bà Lê Thị Th không xác định được vị trí đất mua nằm ở đâu, diện tích bao nhiêu, không chứng minh được yêu cầu khởi kiện. Hơn thế, các loại giấy tờ, thủ tục sang nhượng đất dù không hợp lệ, nhưng hội đồng xét xử (HĐXX) cả 2 cấp tòa vẫn phán quyết bà Lê Thị Th. thắng kiện. Sự phán quyết đó khiến phía bị đơn nghi vấn HĐXX có dấu hiệu bỏ lọt chứng cứ?

Thửa đất các đương sự đang tranh chấp. Ảnh: Ngân Nga

 

Nhiều chứng cứ bị HĐXX “bỏ quên”?
Trước đó, Báo Thanh tra đăng tải bài viết “Có hay không HĐXX TAND tỉnh Lâm Đồng “ưu ái” cho nguyên đơn?”, phản ánh việc ông Nguyễn Hữu Vĩnh (trú tại phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức, là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án dân sự tranh chấp đất đai giữa bà Lê Thị Th. và ông Ngô Tấn Quang), bỗng dưng bị mất đất bởi sự phán quyết của HĐXX cấp sơ thẩm tại TAND tỉnh Lâm Đồng và cấp phúc thẩm tại TAND Cấp cao tại TP HCM.
Ông Vĩnh cho biết, năm 2013, ông mua một phần thửa đất 19 và 20 trước cổng Sân bay Liên Khương của ông Nguyễn Phúc Thắng với diện tích 67,5m2 (nay thuộc một phần thửa 296, tờ bản đồ số 14, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng). Đất có nguồn gốc ông Ngô Tấn Quang mua trúng đấu giá bán cho ông Thắng.
Do diện tích nhỏ, không làm được sổ đỏ nên ông Vĩnh đề nghị ông Quang nhập 2 lô của bà Th. vào lô của ông cho đủ diện tích để Nhà nước cấp sổ đỏ. Sau đó, ông Quang và ông Vĩnh ký hợp đồng chuyển nhượng thửa đất 296 như đã thỏa thuận hứa mua bán trước đó với diện tích 127,1m2.
Đến năm 2017, trong khi đang xây dựng nhà ở thửa 296 thì nhận được thông báo buộc dừng thi công để giải quyết tranh chấp theo đơn khởi kiện của bà Th.
Năm 2017, bà Th. nộp đơn khởi kiện, yêu cầu HĐXX công nhận 2 lô đất bà mua của ông Quang năm 2000 thuộc một phần lô 19 và 20.
Đến tháng 5/2022, bà Th. nộp đơn bổ sung, yêu cầu công nhận toàn bộ thửa 296 (trong đó có một lô đất của ông Vĩnh), có diện tích 135m2. Sau 5 năm trì hoãn, tháng 6/2022, HĐXX TAND tỉnh Lâm Đồng nhanh chóng đưa vụ việc ra xét xử.
Tại Bản án sơ thẩm số 26/2022/DS-ST ngày 15/6/2022 của TAND tỉnh Lâm Đồng, do ông Bùi Hữu Nhân làm thẩm phán – chủ tọa phiên tòa phán quyết, do hợp đồng chuyển nhượng đất giữa ông Quang và bà Th. được giao kết từ ngày 7/9/2000 là giao dịch dân sự, được ký kết trước ngày 1/7/2004 và có vi phạm về hình thức hợp đồng, đất chuyển nhượng chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) nhưng lại có giấy tờ mua đấu giá quyền sử dụng đất, nên hợp đồng giữa 2 người này không bị vô hiệu. Do vậy, HĐXX chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Th.
Do công nhận hợp đồng ngày 7/9/2000 giữa ông Quang và bà Th., nên cần tuyên bố vô hiệu và hủy các hợp đồng chuyển nhượng đất giữa ông Quang, ông Thắng và ông Vĩnh. Buộc vợ chồng ông Vĩnh trả lại toàn bộ thửa đất 296, tờ bản đồ số 14, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng.
Ngày 16/1/2023, TAND Cấp cao tại TP HCM xét xử phúc thẩm và ban hành Bản án số 20/2023/DS-PT, yêu cầu giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 26/2022/DS-ST ngày 15/6/2022 của TAND tỉnh Lâm Đồng; không chấp nhận kháng cáo của ông Ngô Tấn Quang và ông Nguyễn Hữu Vĩnh.
Ông Vĩnh cho biết, một điều hết sức vô lý, văn bản công nhận trúng đấu giá thửa 19 và 20 mà HĐXX lấy làm chứng cứ chỉ liên quan đến ông Ngô Tấn Quang, hoàn toàn không liên quan đến bà Th. Thế nhưng, không hiểu tại sao HĐXX căn cứ vào văn bản đó để cho rằng hợp đồng mua bán bằng giấy tay giữa bà Th. và ông Quang không bị vô hiệu?

Mặc dù mua bán bằng giấy tay không chứng thực, không công chứng, nhưng HĐXX TAND tỉnh Lâm Đồng công nhận hợp lệ và hủy các hợp đồng, GCNQSDĐ có hiệu lực pháp luật cao hơn. Ảnh: Ngân Nga

Liên quan đến vấn đề này, ông Ngô Tấn Quang cho biết, nguyên đơn đã không xác định rõ ràng, cụ thể và chính xác trong các đơn khởi kiện. “Tôi thừa nhận có bán cho bà ấy 2 lô đất hình cánh quạt, có 3 cạnh, nhưng diện tích hồi đó áng chừng theo cảm tính. Vậy căn cứ đâu bà ấy yêu cầu công nhận diện tích 135m2? Căn cứ đâu bà ấy khẳng định trước tòa là chiều ngang và chiều sâu 9x21m?”

Ông Quang cho biết thêm, tại các văn bản như giấy sang nhượng đất xây dựng nhà ở; biên bản ghi lời khai; đơn yêu cầu đo vẽ thẩm định giá và xem xét thẩm định tại chỗ tài sản đang tranh chấp, bà Th. đều công nhận mua 2 lô đất có hình cánh quạt, 2 mặt tiền phía ngoài thuộc một phần thửa 19 và 20.

Thế nhưng, HĐXX TAND tỉnh Lâm Đồng đã bỏ qua các chứng cứ này, công nhận cho bà Th. toàn bộ thửa 296, tuyên hủy các hợp đồng và GCNQSDĐ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Chúng tôi cần HĐXX áp dụng đúng điều luật!

Theo luật sư Nguyễn Tấn Thanh – Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, thì việc các cấp tòa án áp dụng điểm b.1 và b.2, tiểu mục 2.3, mục 2, phần II của Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao để công nhận phần đất bà Th. nhận chuyển nhượng từ ông Quang, là áp dụng chưa đúng điều luật. Bởi tại thời điểm chuyển nhượng đất chưa được cấp giấy chứng nhận, bà Th. chưa nhận bàn giao đất, bà Th. cũng không quản lý, sử dụng, không xây dựng công trình trên đất, không kê khai đóng thuế và diện tích đất bà Th. mua của ông Quang không đủ định mức tách thửa…

Lẽ ra, HĐXX cần phải phải áp dụng điểm đ, tiểu mục 2.1, mục 2, phần II của Nghị quyết để giải quyết: “đ) Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà toàn bộ hoặc một phần nội dung của hợp đồng vi phạm pháp luật… thì bị vô hiệu toàn bộ hoặc một phần và việc giải quyết hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu được thực hiện theo quy định tại Điều 137, Điều 146 của Bộ luật Dân sự và hướng dẫn tại điểm c, tiểu mục 2.3, mục 2 này”. Nghĩa là phải tuyên hợp đồng chuyển nhượng đất giữa ông Quang và bà Th. là vô hiệu mới đúng quy định của pháp luật.

Hơn thế, tòa án các cấp hủy toàn bộ giấy chứng nhận thửa 19 cũ, tức đã hủy một phần giấy chứng nhận thửa 295 và một phần thửa 296. Trong khi, thửa 295 không liên quan đến việc tranh chấp, còn thửa 296 đã cấp cho ông Quang năm 2016, nhưng lại giao trọn thửa 296 cho bà Th. được đăng ký mới là sai, vì một phần thửa 296 sẽ bị cấp chồng. Nếu bà Th. thắng kiện cũng sẽ khó thi hành án.

Làm việc với chúng tôi, ngày 30/5/2023, ông Đào Chiến Thắng, Chánh án TAND tỉnh Lâm Đồng cho biết, hiện đã có bản án sơ thẩm và phúc thẩm, nếu các đương sự không đồng ý thì kháng cáo để giám đốc thẩm.

“Anh cũng không thể đánh giá chứng cứ vì bản án đã lập luận rồi, không thể can thiệp vào việc xét xử. Vụ án này do thẩm phán Bùi Hữu Nhân phụ trách, nếu có dấu hiệu trái pháp luật thì các cấp xem xét, anh cũng không thể kiểm tra vì anh đâu có hồ sơ bởi chuyển dưới phúc thẩm hết rồi”.

Trong một diễn biến khác, chúng tôi đặt câu hỏi có hay không ông Bùi Hữu Nhân, Phó Chánh án TAND tỉnh Lâm Đồng từng bị công dân “tố” và bị kỷ luật Đảng trong quá trình công tác? Ông Thắng cho biết nội dung đó nhạy cảm, không thể cung cấp cho báo chí được, hiện ông Nhân vẫn là Phó Chánh án TAND tỉnh Lâm Đồng.

Theo nguồn tin riêng, đầu năm 2023, ông Bùi Hữu Nhân (Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chánh án TAND tỉnh Lâm Đồng) từng bị Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Lâm Đồng ra quyết định kỷ luật.

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy nhận thấy: Với cương vị là Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chánh án TAND tỉnh Lâm Đồng, thẩm phán, chủ tọa phiên tòa, ông Bùi Hữu Nhân đã thiếu trách nhiệm trong giải quyết vụ án tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài; vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và nội dung, gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự, ảnh hưởng đến uy tín ngành tòa án, tổ chức Đảng nơi ông Nhân công tác và cá nhân ông Nhân.

Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm; căn cứ quy định của Đảng, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Lâm Đồng quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Bùi Hữu Nhân.

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *