Luật sư ủy quyền cho người khác ra tòa?

Nhiều chuyên gia khẳng định việc ủy quyền là tùy tiện bởi pháp luật không có điều khoản nào cho phép cả.
Tại TAND quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) vừa xảy ra một chuyện khá hi hữu trong tố tụng: Một luật sư sau khi được tòa cấp giấy chứng nhận bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho đương sự đã… ủy quyền cho hai người khác tham gia phiên xử để làm thay công việc của mình.

Ủy quyền vì bận việc, tòa cũng chấp thuận

Trước đó, luật sư HNL (Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng) nhận lời bảo vệ bà H., bị đơn trong một vụ kiện đòi nợ 400 triệu đồng. Sau khi làm thủ tục, luật sư L. đã được TAND quận Hải Châu cấp giấy chứng nhận người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Tuy nhiên, vì bận đi Mỹ nên luật sư L. đã làm giấy ủy quyền cho luật gia G. (Hội Luật gia TP Đà Nẵng) và luật sư M. (Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng) thay ông tham gia phiên tòa để bảo vệ bà H.

Trong phiên sơ thẩm, HĐXX đã công bố “đơn ủy quyền” trên và hỏi bà H. rằng có chấp nhận hai vị luật gia, luật sư mới theo ủy quyền của luật sư L. hay không. Ban đầu, bà H. ngơ ngác không hiểu nên không đồng ý. Tòa giải thích: “Nếu bị đơn đồng ý đơn ủy quyền này thì tòa sẽ chấp nhận hai vị luật gia và luật sư này bảo vệ quyền lợi cho bị đơn, còn nếu bị đơn không đồng ý thì thôi”. Sau một hồi đắn đo suy nghĩ, tham khảo ý kiến của người thân, cuối cùng bà H. cũng đã đồng ý để luật gia G. và luật sư M. bảo vệ mình.

“Luật sư theo ủy quyền”: Luật chưa cho phép

Xung quanh vụ việc trên làm phát sinh vấn đề pháp lý: Sau khi đã được tòa cấp giấy chứng nhận bảo vệ quyền lợi, một luật sư có được ủy quyền cho người khác thay mình tham gia phiên tòa dân sự hay không?

Chúng tôi đã trao đổi với nhiều chuyên gia. Cá biệt cũng có ý kiến nói tòa có thể chấp nhận nếu thân chủ của luật sư đồng ý. Tuy nhiên, phần đông thì vẫn cho rằng việc ủy quyền là tùy tiện bởi Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Luật sư cùng các văn bản hướng dẫn đều không có điều khoản nào cho phép cả. Hơn nữa, với vai trò, vị trí, tư cách tham gia phiên tòa của luật sư thì việc ủy quyền này lại càng không ổn.

Luật sư Hoàng Cao Sang (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận xét: “Tôi chưa từng thấy quy định, khái niệm nào về việc luật sư “ủy quyền bảo vệ khách hàng tại phiên tòa” cả. Theo tôi thì không thể chấp nhận chuyện này. Bởi lẽ việc luật sư bảo vệ quyền lợi cho khách hàng là thỏa thuận giữa chính luật sư với khách hàng. Khách hàng yêu cầu đích danh luật sư thì luật sư không có quyền định đoạt là ủy quyền cho ai làm thay công việc của mình cả”.

Theo luật sư Sang, luật sư muốn tham gia phiên tòa dân sự để bảo vệ khách hàng còn phải được tòa cấp giấy chứng nhận. Theo luật, tòa phải xem xét có đủ điều kiện làm người bảo vệ quyền lợi hay không mới cấp giấy. Giấy chứng nhận được cấp đích danh cho một luật sư thì việc luật sư này ủy quyền cho người khác tham gia phiên xử vô hình trung đã gạt bỏ vai trò xem xét của tòa. Chưa kể, với trường hợp người bảo vệ quyền lợi là luật gia thì thủ tục lại càng chặt chẽ, càng đòi hỏi nhiều hơn về điều kiện.

“Chừng nào pháp luật cho giới luật sư được thoải mái tham gia tố tụng mà không cần cấp giấy chứng nhận thì lúc đó, việc ủy quyền này mới có thể đặt ra với điều kiện là đương sự đồng ý” – luật sư Sang kết luận.

Một thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM bổ sung: Trong vụ án trên, việc tòa “chấp thuận miệng” chuyện “ủy quyền bảo vệ khách hàng” của các luật sư, luật gia ngay tại phiên xử là không đúng, dù đương sự đã đồng ý. Ở đây, tòa phải hoãn xử để xem xét cấp giấy chứng nhận người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho luật gia G. và luật sư M., sau đó mở lại phiên xử thì mới đúng về thủ tục tố tụng.

Một số quy định liên quan

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự là người được đương sự nhờ và được tòa án chấp nhận để tham gia tố tụng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

(Trích Điều 63 Bộ luật Tố tụng dân sự)

Tùy từng trường hợp cụ thể mà người được đương sự nhờ làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải xuất trình cho tòa án các giấy tờ, tài liệu sau đây:

a) Đối với luật sư thì phải xuất trình cho tòa án giấy giới thiệu của văn phòng luật sư nơi họ là thành viên hoặc có hợp đồng làm việc cử họ tham gia tố tụng tại tòa án và thẻ luật sư.

b) Đối với người khác thì phải xuất trình cho tòa án văn bản có nội dung thể hiện ý chí của đương sự nhờ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự, văn bản của UBND xã, phường, thị trấn nơi họ cư trú hoặc của cơ quan, tổ chức nơi họ làm việc xác nhận họ không có tiền án, không đang bị khởi tố về hình sự, không thuộc trường hợp đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục và quản chế hành chính, không phải là cán bộ, công chức trong các ngành tòa án, kiểm sát, công an; một trong các loại giấy tờ tùy thân (như CMND, hộ chiếu, sổ hộ khẩu…).

Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ giấy tờ, tài liệu, thẩm phán được phân công giải quyết vụ án phải xem xét giải quyết. Nếu họ có đủ điều kiện thì cấp giấy chứng nhận người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự để họ tham gia tố tụng…

(Trích Điểm 3 Nghị quyết số 01 ngày 31-5-2005 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao)

Luật không cho, không được làm

Về nguyên tắc, với tính chất đặc biệt của hoạt động tố tụng thì những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng đều chỉ được làm những gì mà pháp luật tố tụng cho phép. Ở đây, nếu luật sư L. bận việc trong thời gian dự kiến có phiên xử thì có thể đề nghị tòa hoãn xử. Nếu không được thì có thể nhờ luật sư khác với điều kiện được đương sự đồng ý và vị luật sư khác này cũng phải được tòa cấp giấy chứng nhận chứ không thể đơn giản chỉ làm một văn bản ủy quyền giữa các luật sư với nhau.

Luật sư TRẦN NGỌC QUÝ, Đoàn Luật sư TP.HCM

Phải làm đúng thủ tục

Việc luật sư ủy quyền cho luật sư khác thay mình bảo vệ khách hàng là không đúng với thủ tục và tính chất pháp lý của hoạt động bảo vệ quyền lợi cho đương sự tại phiên tòa dân sự. Nếu vì lý do đã ký hợp đồng với khách hàng (đương sự trong vụ án) thì luật sư có thể giới thiệu cho đương sự luật sư khác thay thế. Trong trường hợp này, luật sư mới sẽ làm lại thủ tục từ đầu để tòa cấp giấy chứng nhận chứ không phải với vai trò là nhận ủy quyền của luật sư cũ.

Một kiểm sát viên VKSND TP.HCM

Bất ổn

Luật sư muốn được bảo vệ quyền lợi cho thân chủ phải đảm bảo hai yếu tố: Được đương sự đồng ý thuê, nhờ và được tòa cấp giấy chứng nhận khi thấy đủ tư cách bảo vệ quyền lợi. Hai yếu tố này chỉ đảm bảo cho chính luật sư đó, nếu ủy quyền thì người nhận ủy quyền lấy gì đảm bảo sẽ đáp ứng được chúng?

Luật sư NGUYỄN TẤN THANH, Đoàn Luật sư TP.HCM

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *