“Hư cấu” cây xà beng để buộc tội?

Chiều 30/6, bị cáo Trần Toàn trong vụ án “cố ý gây thương tích” xảy ra tại xã An Sơn ngày 2/8/2011 đã nộp đơn kháng án kêu oan lên TAND tỉnh Kiên Giang. Một vụ án gây nhiều tranh cãi vì những biểu hiện vi phạm tố tụng nghiêm trọng, đặc biệt vật chứng là cây xà beng được cho là “hư cấu” để buộc tội Trần Toàn.

Vào khoảng 20h ngày 2/8/2011 tại ấp An Cư (xã An Sơn, Kiên Hải, Kiên Giang) xảy ra vụ đánh nhau giữa hai nhóm thanh niên làm Nguyễn Đăng Phùng (SN 1985) bị thương. Ngày 13/2/2012, Ngô Văn Bạc (SN 1982) bị khởi tố, bắt giam. Sau khi bị bắt hơn 2 tháng, Bạc phản cung, thay đổi lời khai.

Từ lời khai của Bạc, ngày 6/6/2012 cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam Trần Toàn (SN 1984), một ngư phủ mù chữ. Sau khi bị bắt, Toàn một mực kêu oan, cho rằng khi xảy ra sự việc Toàn không có mặt. Trần Toàn cũng tố bị cán bộ công an ép cung, bắt nhận tội.

Luật sư Nguyễn Tấn Thanh, Văn phòng luật sư Tấn Thanh – Đoàn Luật sư TPHCM nhận định: Viện kiểm sát (VKS) huyện Kiên Hải truy tố bị cáo Toàn về tội: “Cố ý gây thương tích” theo khoản 2 điều 104 Bộ luật hình sự là không có cơ sở pháp lý, không đúng với quy định pháp luật. VKS không chứng minh được bị cáo Trần Toàn là người đã tham gia đánh bị hại Nguyễn Đăng Phùng, không chứng minh được nguồn gốc tang vật là cây xà beng.

Biên bản xác định hung khí trong vụ án được lập vào lúc 8h ngày 3/8/2011 ghi: “Số lượng hung khí mà cơ quan điều tra đã thu thập tại hiện trường chỉ có: 02 cây bù xong, 01 cây dao cán vàng, 01 cây dao dài khoảng 50 cm, 04 khúc cây chiều dài khoảng 1m2 hình chữ nhật. Không hề có cây xà beng. Tuy nhiên, đến ngày khởi tố Trần Toàn (10/5/2012, tức là gần 9 tháng sau) lúc đó mới xuất hiện cây xà beng trong hồ sơ, trong khi 02 con dao, 03 khúc gỗ biến mất một cách khó hiểu.

Cơ quan tố tụng đã phải mất đến 4 lần giám định pháp y, trong đó có 3 bản kết luận giám định của Trung tâm pháp y tỉnh Kiên Giang. Bản kết luận số 402 ngày 11/11/2011 và bản kết luận giám định bổ sung số 51 ngày 28/5/2012 không có cây xà beng. Sau khi Trần Toàn bị bắt, chiếc xà beng bỗng nhiên xuất hiện trong bản giám định số 76 ngày 2/8/2012. Kết luận giám định số 2124/C54B của Phân viện Khoa học hình sự ngày 28/10/2013 không xác định vết thương là do xà beng gây nên.

Biên bản thu giữ cây xà beng và một số vật chứng cũng có dấu hiệu hợp thức hóa… Đáng chú ý, trong hồ sơ có một hoá đơn “tiền bồi dưỡng” cho giám định viên do chính bị hại đóng. Hồ sơ vụ án còn thể hiện Chủ tịch UBND xã An Sơn ông Phạm Văn Quân cũng tham gia tố tụng khi ông này ký quyết định chuyển hồ sơ cùng tang vật cho Cơ quan điều tra. Điều bất thường trong quyết định của ông chủ tịch xã, toàn bộ nội dung chữ viết là của điều tra viên Huỳnh Văn Lâm.

Thẩm phán Phạm Đình Thi, Chánh án TAND huyện Kiên Hải, là người đã phát hiện những dấu hiệu bất thường, oan sai ngay từ khi bắt giam Trần Toàn. Tuy nhiên, một mình thẩm phán Thi không thể chống lại được số đông.

Trong phần nhận định của bản án số 14/2014 ngày 23/6/2014, thẩm phán Thi ghi rõ: “Không đủ chứng cứ để buộc tội đối với bị cáo Trần Toàn, tuy nhiên sau khi nghị án các vị hội thẩm xác định bị cáo Trần Toàn phạm tội cố ý gây thương tích”, vì thế đã tuyên phạt bị cáo Toàn 24 tháng tù treo.

Từ lời khai của Bạc, ngày 6/6/2012 cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam Trần Toàn (SN 1984), một ngư phủ mù chữ. Sau khi bị bắt, Toàn một mực kêu oan, cho rằng khi xảy ra sự việc Toàn không có mặt. Trần Toàn tố bị cán bộ công an ép cung bắt nhận tội.

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *